Nếu ai đó hỏi Dân thiết kế khi nhảy việc sẽ mang gì theo làm hành lý, là người sử dụng phần mềm PTC Creo làm công cụ thiết kế hàng ngày, mình chỉ xin mang theo một thư mục nhỏ dung lượng không quá 10 MB, không chứa bất cứ dữ liệu gì của công ty cũ để không mang tiếng làm lộ bí mật kinh doanh của họ, thư mục mang theo chỉ chứa vài tập tin để định dạng lại máy tính sẽ được cấp ở công ty mới khi cài Creo, và một thư mục con được đặt tên là Format chứa những khung bản vẽ mẫu của Pro/Engineer cũng do chính mình tự tạo khi làm việc ở những công ty trước.
Dĩ nhiên, mỗi công ty đều sẽ có khung bản vẽ quy chuẩn được thiết kế riêng, nhưng xét về tổng thể thì sẽ không quá khác biệt về nội dung và hình thức trình bày so với khung bản vẽ mẫu theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế qui định. Nếu may mắn gặp được công ty còn chưa xây dựng cho họ một bộ bản vẽ quy chuẩn, khi đó bạn có thể tự do sáng tạo khung bản vẽ mẫu theo ý bạn và ban hành cho cả công ty cùng sử dụng. Còn không, bạn chỉ việc lấy khung bản vẽ cũ ra sửa sang lại chút đỉnh cho giống với bản vẽ mẫu của công ty mới rồi lưu lại để dành sử dụng.
Nếu với AutoCAD, khung bản vẽ mẫu cho nhiều khổ giấy khác nhau có thể được tạo và lưu trong cùng một file đuôi (*.dwg) có cùng định dạng layer, kiểu kích thước, màu sắc, đường nét bản vẽ dùng để in ấn và khi đi đâu chỉ cần mang theo tập tin này là đủ. Còn PTC Creo lại chia khung bản vẽ mẫu thành nhiều tập tin nhỏ, loại file là Format với đuôi (*.frm), mỗi tập tin định dạng duy nhất một khổ giấy và một chiều giấy. Khổ giấy thông dụng thường dùng trong công ty cơ khí là A4, A3, A2, A1, A0. Chiều giấy thường gặp là chiều đứng (Portrait) và chiều ngang (Landscape).
Nếu công ty bạn cần dùng đến 5 khổ giấy và 2 chiều giấy cho mỗi khổ giấy thì trong Creo bạn cần tạo đến 10 tập tin (*.frm), may mà thế giới chỉ qui định khổ giấy đứng và ngang cho riêng khổ A4, các khổ còn lại chỉ có chiều giấy ngang. Mình đề xuất cách đặt tên như bên dưới cho mỗi file Format để bạn dễ hiểu và sử dụng :
- A4_Landscape.frm
- A4_Portrait.frm
- A3_Landscape.frm
- A2_Landscape.frm
- A1_Landscape.frm
- A0_Landscape.frm
Đó là chưa kể đối với những công ty chuyên sản xuất khuôn mẫu thì khung bản vẽ mẫu còn được chia thành các loại để sử dụng cho nhiều công đoạn khác nhau ví dụ như Bản vẽ sản phẩm, Bản vẽ chi tiết chế tạo, Bản vẽ lắp ráp, Bản vẽ điện cực,…Và tương ứng với mỗi loại khung bản vẽ mẫu như vậy, bạn cần phải tạo các file Format riêng. Lấy ví dụ cách đặt tên một file Format sử dụng khổ giấy A1 ngang, sử dụng cho loại Bản vẽ lắp khuôn như sau: “A1_Landscape_Mold_Assembly.frm”
File Format chứa các thông tin về khổ giấy, chiều giấy, khung bản vẽ mẫu, khung tên, thông tin về đối tượng vật thể được thể hiện trên bản vẽ, thông tin về công ty sở hữu bản vẽ, logo công ty, thông tin những người có trách nhiệm tạo, kiểm tra và phê duyệt bản vẽ, các biểu tượng đặc biệt như biểu tượng góc chiếu, bảng liệt kê chi tiết (Bill Of Materials - dùng trong bản vẽ lắp ráp),…
Một số thông tin khai báo trên file Format có thể được cài đặt ở dạng biến số tự động cập nhật khi chuyển qua sử dụng trong môi trường tạo bản vẽ. Ví dụ ngày tháng, danh mục bảng liệt kê chi tiết, tên chi tiết, vật liệu, số lượng chi tiết,…
PTC Creo cung cấp tất cả các công cụ cần thiết trên giao diện tạo file Format để bạn có thể tự xây dựng cho mình một khung bản vẽ mẫu đầy đủ theo tiêu chuẩn.
Có thể bạn cảm thấy các công cụ vẽ ở đây không mấy quen thuộc nếu bạn đã từng sử dụng qua các phần mềm tạo bản vẽ 2D như AutoCAD, tuy nhiên, bạn cũng đừng cảm thấy lo lắng vì ngoài mấy đường bao khung bản vẽ, khung tên, bảng kê, nhập thêm vài kí tự text vào khung bản vẽ, bạn đâu cần phải vẽ thêm gì lên khung bản vẽ mẫu nữa đâu ? Vả lại không mấy dịp trong đời bạn sẽ phải dùng đến các công cụ này, trừ khi bạn nhảy việc quá nhiều công ty và phải thay đổi file Format nhiều lần.
Các công cụ đáng lưu ý được dùng để xây dựng một khung bản vẽ mẫu là nhóm công cụ Sketch, Table và Annotate. Nếu bạn đã sử dụng qua nhóm công cụ Sketch và Annotate trong phần dựng chi tiết Part trên Creo thì sẽ không gặp khó khăn gì với modul Format này. Riêng để sử dụng được nhóm công cụ Table thì bạn chỉ cần có một chút kiến thức về Excel.
PTC Creo cũng khá rộng rãi khi tích hợp thêm vào moldul Format công cụ Import đối tượng được xuất từ bản vẽ của các phần mềm khác như Catia, Solidworks, AutoCAD, … để tiết kiệm thời gian chuyển đổi khung bản vẽ mẫu giữa các phần mềm hoặc để phòng khi bạn không thích sử dụng công cụ dựng hình của họ.
Các tạo file Format mới và giao diện làm việc như hình bên dưới. File này tạo một lần có khi dùng cho cả đời, phiên bản sau vẫn có thể mở cho phiên bản trước mà không bị ảnh hưởng. File Format của mình tạo từ phiên bản Pro/2000i đến nay vẫn sử dụng tốt trên các phiên bản Creo.

Hình 1: Tạo và định dạng File Format mới

Hình 2: Giao diện làm việc của File Format