Creo hay Pro/Engineer có lẽ là một trong những phần mềm đồ hoạ 3D kỹ thuật xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam. Ad bắt đầu làm quen với Pro/Engineer qua phiên bản Pro 2000i vào khoảng đầu những năm 2000. Tính đến thời điểm này, Pro/Engineer đã phát triển qua rất nhiều phiên bản, trong đó phải kể đến một số phiên bản có tính chất bước ngoặc như Pro Wildfire và gần đây nhất là phiên bản Creo.
Rất nhiều tính năng mới đã được cập nhật và nâng cấp qua từng phiên bản giúp cho công việc của người thiết kế ngày một thêm nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, về bản chất, những phiên bản sớm nhất của Pro/Engineer từ thuở khai sinh đã giải quyết được hầu hết những công việc mà một nhà thiết kế và chế tạo khuôn đòi hỏi.

Việc phải chạy theo những phiên bản mới được cập nhật liên tục làm chúng ta đuối sức nên đôi khi ta quên tự hỏi rằng mình cần những tính năng mới đó đến nhường nào? Nó giúp thêm gì cho công việc hiện tại? Hay nhiều khi nó còn làm cho túi tiền của chúng ta vơi thêm vì phải chi phí cho license mới, cấu hình máy tính mới, chi phí đào tạo nhân viên,…
Có thể bạn cho Ad là một người hoài cổ, tuy nhiên đứng ở khía cạnh một doanh nghiệp, chúng ta có nhiều thứ để lo hơn là việc nâng cấp phiên bản mới cho phần mềm thiết kế đều đặn mỗi năm chỉ để giải quyết cùng một công việc. Chắc cũng không nên bàn thêm, mà có thể bạn cũng hiểu, Parametric Technology Corporation (PTC) - Cha đẻ của phần mềm Pro/Engineer cũng là một doanh nghiệp và họ cũng cần kinh phí để nuôi sống đội ngũ kỹ sư phát triển phần mềm của họ.
Đối với lĩnh vực thiết kế và chế tạo khuôn mẫu tại Việt Nam, các tính năng của Creo được dùng nhiều nhất phải kể đến:
Pro/Design: Modul hỗ trợ dựng mô hình 3D solid và surface
Pro/Assembly: Modul hỗ trợ tạo file lắp ráp giữa các chi tiết
Pro/Manufacturing: Modul hỗ trợ lập trình gia công CNC
Pro/Detail : Modul hỗ trợ tạo bản vẽ 2D chi tiết và lắp ráp
Pro/Mold Design: Modul hỗ trợ thiết kế khuôn mẫu
Với định hướng Creo là phần mềm đồ hoạ kỹ thuật phục vụ công việc thiết kế, lập trình, tính toán và mô phỏng trong hấu hết các ngành công nghiệp trên thế giới nên PTC phát triển Creo thành nhiều modul riêng biệt nhằm hướng tới từng phân khúc người dùng khác nhau.
Ngay cả trong cùng một lĩnh vực như lĩnh vực Khuôn Mẫu, Creo cũng được chia ra thành từng modul nhỏ hơn để đáp ứng tính chuyên môn hoá cho từng công đoạn, ví dụ mảng CAD và CAM được tách riêng. Bạn có thể tìm thấy ở một số doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức mang tính chuyên môn hoá cao, công việc thiết kế và lập trình luôn do những nhân sự khác nhau đảm trách.
Rất nhiều doanh nghiệp khuôn tại Việt Nam, công việc thiết kế là lập trình được giao cho cùng một nhân sự phụ trách. Điều này nghe có vẻ “một công đôi việc”, và anh chủ doanh nghiệp cảm thấy mình may mắn vì đã tuyển được một anh nhân viên đa tài. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng ao ước có được anh nhân viên giống như vậy, và họ không ngần ngại trả cao hơn một chút.
Công tác thiết kế và lập trình gia công do cùng một nhân sự đảm trách cũng chỉ phù hợp đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, ít việc. Tuy tuyển được nhân sự có khả năng đảm nhận được cả hai công việc nhưng điều bất lợi là anh ta không thể thực hiện cả hai tác vụ đó trong cùng một thời điểm, mỗi khi công việc lập trình gia công đang được thực hiện, công tác thiết kế phải tạm gác lại, tạo ra nhiều khoảng thời gian chờ không đáng có. Thời gian chờ trong những doanh nghiệp bận bịu và có nhiều dự án khuôn là một vấn đề lớn. Khách hàng của họ không thể chờ.
Đó là chưa kể đến tính chất con người ảnh hưởng đến chất lượng công việc của dự án. Con người thì có thể mắc sai lầm, con người thực thi quá nhiều tác vụ nhất là khi đảm nhận những công việc có tính chất phức tạp như công tác thiết kế và lập trình gia công thì càng dễ mắc sai lầm hơn. Mà sai lầm trong thiết kế hoặc gia công khuôn mẫu đều thường phải trả giá bằng thời gian và tiền bạc.
Chuyên môn hoá trong công tác thiết kế và chế tạo khuôn mẫu là vấn đề rất đáng lưu tâm. Các modul của Creo cũng được phát triển riêng biệt không nằm ngoài mục đích phục vụ cho nhu cầu đó. Một khi bạn dồn hết sự quan tâm vào việc khai thác và làm chủ từng tính năng riêng lẻ của Creo, ví dụ modul Manufacturing, bạn sẽ thấy Creo là một phần mềm đồ sộ, vì nó được cấu thành từ những modul cũng đồ sộ không kém.
Mold Start-Up Team sẽ từng bước hướng dẫn cho bạn phương pháp làm chủ một số công cụ trên phần mềm Creo đủ để đáp ứng cho công tác thiết kế sản phẩm, thiết kế và lập trình gia công khuôn ép phun.
Chúc thành công – Mold Start-Up Team