Nhiều tính năng trong PTC/Creo yêu cầu bạn phác thảo trước một biên dạng sau đó thực hiện một số câu lệnh dựa trên biên dạng phác thảo đó, chẳng hạn như các lệnh tạo khối Extrude, Revole, Sweep, v.v... Khi bạn cần thực hiện các câu lệnh có đòi hỏi bước vẽ phác, bạn phải chuyển sang môi trường vẽ phác thông qua tính năng Sketch Mode.
Creo cung cấp hai phương thức để bạn vào chế độ Sketch Mode, một là khởi động Module Sketch độc lập (Stand-alone Sketch) từ File> New> Sketch hoặc hai là thiết lập môi trường Sketch trong khi thực hiện câu lệnh dựng hình ở môi trường file Part.
Đối với module Stand-alone Sketch, bạn không cần phải thiết lập môi trường vẽ phác mà vào thẳng trực tiếp giao diện vẽ phác bằng cách tạo File mới sau đó chọn loại file là Sketch.
(Hình 1: Cửa sổ tạo mới một file Sketch)
Đối với chế độ Sketch mode khi đang thực hiện câu lệnh dựng hình trong môi trường file Part, bạn cần thực hiện thêm một bước là thiết lập một môi trường vẽ phác (Sketch Setup) trước khi có thể chuyển vào chế độ Sketch Mode.
Để thiết lập một môi trường vẽ phác, Creo yêu cầu bạn phải chỉ định hai yếu tố, một là mặt phẳng vẽ phác (Sketch Plane), là mặt phẳng qui chiếu về song song với mặt phẳng màn hình máy tính để chứa các đối tượng vẽ phác, hai là mặt phẳng tham chiếu ( Reference Plane), là một mặt phẳng bất kỳ trong không gian miễn là vuông góc với mặt phẳng vẽ phác, nhằm định hướng cho mặt phẳng vẽ phác.
Sử dụng các Datum Plane chuẩn hoặc các mặt phẳng có sẵn trên vật thể 3D để thiết lập môi trường vẽ phác.
(Hình 2: Một ví dụ sử dụng Datum Plane trong file Part để thiết lập môi trường Sketch)
Các bước thao tác trong môi trường Sketch
Rất nhiều bạn mới làm quen với PTC Creo nếu trước đó đã từng sử dụng qua phần mềm AutoCAD thường hay lầm tưởng Sketch mode trong Creo cũng giống như môi trường 2D của AutoCAD. Thật ra đây là hai môi trường có chức năng sử dụng khác nhau.
Môi trường 2D của AutoCAD là một module vẽ kỹ thuật khá hoàn chỉnh, cung cấp cho ta đầy đủ những công cụ cho phép ta từng bước tạo ra những đối tượng hình học trên bản vẽ kỹ thuật, bắt đầu bằng những câu lệnh dựng hình đối tượng, hiệu chỉnh và quản lý đối tượng, ghi kích thước đối tượng, đến bước thiết lập bản vẽ, cuối cùng là xuất file và in ấn. Tất cả các bước được thực hiện trong một không gian 2 chiều đối với module AutoCAD 2D.
Chế độ Sketch Mode chỉ là một module nhỏ của Creo, cung cấp cho ta những công cụ cần thiết nhằm mục đích phục vụ cho công tác vẽ phác nên biên dạng 2D của một vật thể ở một hướng chiếu nhất định, được gọi là một Section. Section được tạo từ môi trường Sketch mode sẽ được đem sử dụng để thực thi các câu lệnh dựng hình vật thể 3D trong không gian 3 chiều. Các vật thể 3D sau đó sẽ được chuyển sang môi trường tạo bản vẽ (Drawing) để tạo các hình chiếu, ghi kích thước, xuất file và in ấn ra bản vẽ đúng qui chuẩn kỹ thuật giống như khi ta thực hiện trên phần mềm AutoCAD, tuy nhiên có sự khác biệt là bản vẽ trên Creo có sự ràng buộc chặt chẽ giữa vật thể 3D và môi trường bản vẽ 2D của vật thể đó.
Do mục đính sử dụng khác nhau nên phương pháp vẽ phác trong Sketch mode cũng có những điểm khác biệt so với khi thực hiện trên AutoCAD. Để sử dụng hiệu quả chế độ Sketch mode, bạn cần thao tác theo trình tự sau:
Bước 1: Chọn các đối tượng tham chiếu
Các đường tham chiếu ( references) có hai chức năng, thứ nhất là giúp xác định hệ tọa độ Descartes vuông góc trên mặt phẳng vẽ phác dùng định tọa độ qui chiếu cho các đối tượng vẽ phác. Thứ hai là làm đối tượng để truy bắt điểm khi vẽ các đối tượng hình học cho Section.
Các đường tham chiếu này có thể được tạo mới bằng cách sử dụng lệnh vẽ Centerline, hoặc chọn các đối tượng có sẵn như cạnh của một vật thể, datum plane, datum axis, ... để chỉ định làm đường tham chiếu cho Section khi vẽ.
(Hình 3: Giao diện Sketch mode trên PTC Creo 6.0)
Bước 2: Vẽ phác nhanh hình dạng gần giống của biên dạng cần vẽ
Không giống như AutoCAD đòi hỏi ta phải vẽ chính xác từng đối tượng hình học ngay từ ban đầu, môi trường Sketch của Creo để cho ta vẽ nhanh biên dạng gần giống của đối tượng vẽ phác với tiêu chí : vẽ trước hiệu chỉnh sau. Mặc dù là vẽ nhanh nhưng Creo vẫn cung cấp đầy đủ những câu lệnh vẽ đối tượng bắt đầu từ đơn vị hình học nhỏ nhất là tạo điểm, kế đến là tạo đường thẳng, đường cong, cung cong, đường tròn, elip, hình chữ nhật, tiếp theo là tạo các đa giác và các kí tự.
(Hình 4: Section được vẽ nhanh bằng lệnh Line có số nét và biên dạng gần giống với tiết diện cần vẽ phác)
Phần lớn những biên dạng Section được tạo ra từ môi trường Sketch thường yêu cầu phải liên tục và khép kín nên công cụ truy bắt điểm giữa các đối tượng cũng như việc cho phép vẽ các đối tượng nối tiếp nhau tỏ ra khá hiệu quả trong việc giúp người vẽ vẽ nhanh và chính xác biên dạng mong muốn.
Ngoài các lệnh vẽ đối tượng bằng phương pháp thủ công, Creo cũng cho phép ta chèn các Profile dựng sẵn từ thư viện lưu trữ hoặc thậm chí từ phần mềm khác như AutoCAD vào môi trường Sketch nhằm đẩy nhanh tốc độ vẽ phác đối với các biên dạng đòi hỏi nhiều thời gian nếu vẽ thủ công, ví dụ các hình profile có biên dạng đặc biệt, các đa giác đều hoặc các ngôi sao nhiều cánh, các Profile thép hình U, V, H, I.... Creo cũng khuyến khích người sử dụng tự vẽ và tạo các thư viện lưu trữ Section thường sử dụng cho công việc hàng ngày ví dụ như biên dạng gia công lỗ, chi tiết cơ khí chuyên dụng,... nhằm đẩy nhanh tốc độ thiết kế.
Các công cụ hiệu chỉnh đối tượng cũng rất hiệu quả giúp hoàn thiện hình vẽ phác thêm chính xác bao gồm các lệnh Fillet, Trim, Mirror, Rotate, Use Edge,...
Bước 3: Thiết lập ràng buộc hình học cho các đối tượng
Ràng buộc hình học (Constraint) là một công cụ hữu ích của Creo giúp ta thiết lập các mối quan hệ tương quan giữa các đối tượng hình học được vẽ theo cách mà ta mong muốn, đồng thời giảm thiểu số lượng kích thước cần ghi cho Section, bạn có thể tạm hiểu nôm na như thế này: nếu ta gán hai đối tượng đường thẳng một mối ràng buộc là vuông góc với nhau thì ta không cần phải khai báo cho Creo góc tạo bởi hai đường thẳng đó là 90 độ.
(Hình 5: Section sau khi được thiết lập ràng buộc hình học và đưa về hệ tọa độ qui chiếu lấy trục đứng làm tâm đối xứng)
Bước 4: Ghi kích thước đối tượng
Thế mạnh của Creo là chỉ cho phép ta ghi vừa đủ các giá trị kích thước qui định nên hình dáng và tọa độ của đối tượng vẽ phác. Nếu ta kết hợp giữa việc ghi kích thước với việc thiết lập các ràng buộc hình học đối tượng một cách hợp lý, số lượng kích thước thực sự cần thiết cho một biên dạng vẽ phác sẽ là tối thiểu. Các giá trị kích thước này có thể được dùng để kiểm soát hoặc tham gia vào việc hiệu chỉnh hình dạng hình học của vật thể 3D về sau nên chỉ chọn ghi những kích thước thật sự cần thiết.
(Hình 6: Section trước khi thiết lập ràng buộc hình học với kích thước do Creo tự cung cấp để kiểm soát biên dạng vẽ phác)
(Hình 7: Section sau khi được thiết lập ràng buộc hình học và người vẽ tự ghi các kích thước cần kiểm soát )
Bước 5: Hiệu chỉnh kích thước đối tượng
Hiệu chỉnh kích thước giúp đưa đối tượng vẽ phác về đúng giá trị kích thước mà ta mong muốn. Biên dạng vẽ phác sau khi được hiệu chỉnh giá trị kích thước cũng sẽ được scale về đúng tỉ lệ kích thước tương ứng giữa các đối tượng với nhau.
(Hình 8: Section có kích thước cần kiểm soát được hiệu chỉnh về đúng giá trị mong muốn )
Bước 6: Kết thúc lệnh
Khi bản vẽ phác đã hoàn chỉnh, ta chọn Ok để kết thúc lệnh và tiếp tục với các bước tiếp theo, hoặc để hoàn thành bản vẽ phác nếu bạn đang ở trong chế độ Stand Alone Sketch. File Sketch được lưu trữ dưới đuôi ( *.sec)
(Hình 9: Section được tạo từ môi trường Sketch tham gia thực thi câu lệnh dựng vật thể 3D trên file Part)