Một khâu rất quan trọng không thể thiếu trong qui trình thiết kế một bộ khuôn ép phun là tạo một bộ bản vẽ thiết kế 2D cho bộ khuôn đó để in ấn và ban hành tới các khâu trong phân xưởng nhằm để tra cứu, tham chiếu khi gia công, chế tạo, đo kiểm, lắp ráp khuôn cũng như phục vụ cho công tác bảo trì sửa chữa khuôn trong quá trình sản xuất sau này. Mold Startup xin liệt kê danh mục các loại bản vẽ cần phải thực hiện trong quá trình thiết kế khuôn để các bạn tiện tham khảo.
1. Bản vẽ tách chi tiết khuôn
Bản vẽ tách chi tiết khuôn là bản vẽ phục vụ chế tạo những chi tiết, linh kiện cấu thành nên một bộ khuôn. Bản vẽ chế tạo phải cung cấp cho người xem một cách đầy đủ chi tiết các góc chiếu, mặt cắt, hình trích, kích thước, dung sai, yêu cầu kỹ thuật của từng hạng mục cần gia công.
Bản vẽ chi tiết khuôn có thể được tạo trực tiếp từng đối tượng, hình chiếu và kích thước sử dụng các công cụ trên phần mềm tạo bản vẽ 2D dùng trong kỹ thuật như AutoCAD hoặc được chiếu từ dữ liệu thiết kế 3D sang 2D đối với các phần mềm 3D chuyên dụng như Creo, Solidworks, NX,…
Các chi tiết khuôn bao gồm các tấm vỏ khuôn, chi tiết lõi khuôn, các linh kiện khuôn, điện cực,…
1.1. Bản vẽ chi tiết các tấm vỏ khuôn
Vỏ khuôn được lắp ráp từ nhiều tấm vỏ khuôn với nhau. Mỗi tấm đều có một chức năng nhất định trong bộ khuôn do đó các hạng mục và cấp chính xác khi gia công của mỗi tấm thường khác nhau.
(Hình 1: Bản vẽ chi tiết tấm vỏ khuôn - Tham khảo)
Bản vẽ chi tiết tấm vỏ khuôn cần đảm bảo thể hiện đầy đủ các hình chiếu, vị trí toạ độ, dung sai kích thước của tất cả các hạng mục cần gia công trên nó để dễ dàng cho quá trình tham chiếu khi gia công chế tạo cũng như phục vụ công tác đo kiểm sau công đoạn gia công, hoàn thiện và lắp ráp khuôn.
1.2. Bản vẽ chi tiết lõi khuôn
Phần lớn những bộ khuôn có phần lõi khuôn được thiết kế tách rời với vỏ khuôn bởi nhiều lý do: Do yêu cầu tuổi bền của khuôn, phương án chế tạo chi tiết, đặc tính của sản phẩm, điều kiện làm việc của khuôn, chế độ bảo trì bảo dưỡng khuôn, giải pháp sửa chữa, thay thế phụ tùng khi khuôn bị hư hỏng,…
(Hình 2: Bản vẽ chi tiết lõi khuôn - Tham khảo)
Lõi khuôn là thành phần quan trọng nhất trong một bộ khuôn do đây là thành phần chính quyết định hình dạng và kích thước của sản phẩm. Do đó bản vẽ chi tiết lõi khuôn cần phải được trình bày rõ ràng, chính xác và đầy đủ để tránh thiếu sót, nhầm lẫn trong quá trình chế tạo.
Bản vẽ chi tiết lõi khuôn cần thể hiện đầy đủ các hạng mục kích thước bao gồm phần tạo hình dáng sản phẩm, dung sai lắp ráp của sản phẩm, độ bóng bề mặt sản phẩm, góc nghiêng thoát khuôn cho sản phẩm, khu vực yêu cầu chạm khắc đặc biệt, cổng keo, đường phân khuôn, mặt chạm cắt keo, các khu vực Undercut, vị trí đẩy sản phẩm, kênh dẫn nhựa, kênh giải nhiệt, đường thoát hơi, bulông lắp ráp,…
1.3. Bản vẽ chi tiết linh kiện khuôn khác
Bên cạnh chi tiết lõi khuôn, nhiều chi tiết, linh kiện khuôn khác cũng góp phần quan trọng không kém trong một bộ khuôn như các chi tiết hỗ trợ cơ cấu thoát khuôn cho sản phẩm bị undercut, sản phẩm quay ren, cơ cấu ty đẩy xiên, ty đẩy ống, phụ tùng linh kiện hỗ trợ đóng mở khuôn, các chi tiết dẫn hướng, định vị cũng đòi hỏi phải cung cấp bản vẽ chi tiết phục vụ gia công chế tạo.
Đối với một số chi tiết được chuẩn hoá bởi một số nhà cung cấp linh kiện khuôn tiêu chuẩn trên thế giới, chúng ta chỉ cần cung cấp mã đặt hàng theo qui cách của nhà cung cấp là có thể mua đúng linh kiện về lắp ráp và sử dụng, còn lại đều phải lên bản vẽ chi tiết để triển khai chế tạo.
(Hình 3: Bản vẽ chi tiết linh kiện khuôn khác - Tham khảo)
2. Bản vẽ lắp ráp khuôn
Bản vẽ lắp ráp khuôn là bản vẽ biểu diễn trạng thái lắp ráp hoàn chỉnh của một bộ khuôn. Bản vẽ lắp ráp cần thể hiện đầy đủ tất cả các linh kiện cấu thành nên bộ khuôn đó bao gồm toạ vị trí lắp ráp của từng loại linh kiện, hướng lắp, kích thước tổng thể của chi tiết, khoảng cách giới hạn làm việc của những chi tiết trong quá trình đóng khuôn cũng như mở khuôn.
Các hạng mục cần thể hiện trên một bản vẽ lắp ráp khuôn bao gồm:
- Hình chiếu đứng file lắp khuôn
- Hình chiếu cạnh file lắp khuôn

(Hình 4: Hình chiếu đứng - Bản vẽ lắp ráp khuôn - Tham khảo)
- Hình chiếu bằng file lắp khuôn (phía khuôn cố định)
- Hình chiếu bằng file lắp khuôn (phía khuôn di động)

(Hình 5: Hình chiếu bằng - Bản vẽ lắp ráp khuôn - Tham khảo)
- Hình trích file lắp cụm lõi khuôn (nếu cần thiết)

(Hình 6: Hình chiếu cụm lắp ráp lõi khuôn - Tham khảo)
- Hình trích các cụm lắp ráp linh kiện khuôn khác (nếu cần thiết)
- Hình chiếu trục đo sản phẩm nhựa cần chế tạo từ bộ khuôn (để tham khảo, không bắt buộc)

(Hình 7: Hình chiếu cụm lắp ráp linh kiện khuôn khác- Bản vẽ lắp ráp khuôn - Tham khảo)
- Bảng liệt kê vật tư linh kiện khuôn (Bill Of Material)

(Hình 8: Bảng kê vật tư linh kiện BOM - Bản vẽ lắp ráp khuôn - Tham khảo)
3. Bản vẽ điện cực
Bản vẽ điện cực (Electrode drawing) nhằm phục vụ chế tạo điện cực cho công đoạn gia công bắn điện EDM (Electrical Discharge Machining) đối với một số chi tiết khuôn đòi hỏi bước nguyên công này.
Bản vẽ điện cực bao gồm bản vẽ kích thước chi tiết của điện cực và bản vẽ vị trí toạ độ của điện cực cần EDM trên chi tiết lõi khuôn. Bản vẽ chi tiết và bản vẽ toạ độ vị trí điện cực có thể biểu diễn chung trên một khung bản vẽ hoặc tách riêng thành nhiều bản vẽ tuỳ theo độ phức tạp của từng điện cực.
Cần lưu ý là kích thước trên bản vẽ điện cực phải được tính trừ hao lượng dư Offset (khe hở cần thiết cho việc phóng hồ quang điện giữa điện cực và chi tiết khuôn khi gia công). Điện cực phục vụ cho từng bước nguyên công khác nhau như thô, bán tinh, tinh phải được trừ hao lượng dư Offset khác nhau.
(Hình 9: Bản vẽ điện cực khuôn - Tham khảo)
4. Bản vẽ thiết kế kỹ thuật sản phẩm
Sẽ là thiếu sót nếu trong bộ bản vẽ khuôn thiếu bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật của sản phẩm cần chế tạo từ bộ khuôn đó.
(Hình 10: Bản vẽ chi tiết sản phẩm nhựa cần chế tạo khuôn - Tham khảo)
Bản vẽ sản phẩm dùng để tham chiếu trong quá trình thiết kế và chế tạo khuôn, đồng thời phục vụ công tác đo kiểm mẫu sản phẩm sau khi thử khuôn. Khi lưu bản vẽ sản phẩm, ta phải lưu đầy đủ các bản vẽ tách chi tiết của sản phẩm cùng với bản vẽ lắp ráp sản phẩm nếu sản phẩm đó được lắp ráp từ nhiều chi tiết lại với nhau.
Bản vẽ sản phẩm phải là bản cập nhật mới nhất so với dữ liệu dùng để thiết kế khuôn, trong đó thể hiện đầy đủ các hạng mục hình chiếu, kích thước, chuẩn toạ độ, dung sai lắp ráp, góc nghiêng thoát khuôn, loại vật liệu nhựa sử dụng, hệ số co rút, trọng lượng sản phẩm, độ bóng bề mặt, chạm khắc, yêu cầu in ấn trang trí trên sản phẩm…
Các bạn có thể tham khảo thêm bộ bản vẽ khuôn chi tiết ở
Link đính kèm