Mỗi một doanh nghiệp dù hoạt động trong bất kỳ nghành nghề nào, muốn tồn tại được đều phải kinh doanh, buôn bán một sản phẩm nào đó. Nói một cách cụ thể hơn, doanh nghiệp được khai sinh dựa trên ý tưởng về dòng sản phẩm mà doanh nghiệp đó nhắm tới. Có những sản phẩm được nghiên cứu, chế tạo một lần rồi được sử dụng lâu dài về sau. Cũng có những sản phẩm có vòng đời ngắn, được sản xuất kinh doanh một vài đợt rồi sau đó được thay thế bằng những dòng sản phẩm mới hơn. Sản phẩm nhựa cũng không nằm ngoài qui luật chung đó.
Thế giới thì luôn chuyển động, công việc kinh doanh của doanh nghiệp cũng phải bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Do vậy, doanh nghiệp phải luôn vận động, tìm tòi nghiên cứu và phát triển thêm những dòng sản phẩm mới để mở rộng việc sản xuất kinh doanh cho dù sản phẩm được tạo ra trước đó có tốt thế nào đi chăng nữa. Đó là lý do mà các phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (gọi tắt là phòng R&D – Research and Development Department) trong rất nhiều doanh nghiệp được xây dựng và duy trì.
Tuỳ theo mô hình hoạt động của từng doanh nghiệp mà qui trình phát triển sản phẩm của họ có những nét đặc thù riêng. Nhiều doanh nghiệp nhựa có mô hình phát triển sản phẩm mới khép kín từ khâu thiết kế, chế tạo khuôn mẫu và sản xuất đại trà bên trong nội bộ nhà máy. Trong khi có những doanh nghiệp chỉ tập trung vào công tác nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới, thiết kế bao bì đóng gói, các công đoạn như chế tạo khuôn và sản xuất đại trà được đặt hàng gia công từ những nhà cung cấp bên ngoài.
Cho dù doanh nghiệp có chọn mô hình nào để phát triển sản phẩm mới cho riêng họ đi chăng nữa thì trên phương diện chung, muốn phát triển một sản phẩm nhựa mới bắt đầu từ những ý tưởng sơ khai cho đến khi đưa sản phẩm vào sản xuất đại trà và phân phối trên thị trường, thường phải được thực hiện qua những bước cơ bản sau:
- Ý tưởng sản phẩm mới
- Phát thảo thiết kế sản phẩm mới
- Chọn loại nguyên vật liệu cho sản phẩm
- Chọn giải pháp công nghệ chế tạo sản phẩm
- Chọn giải pháp công nghệ chế tạo khuôn cho sản phẩm
- Thiết kế sản phẩm hoàn chỉnh
- Thiết kế khuôn cho sản phẩm
- Chế tạo khuôn cho sản phẩm
- Thử khuôn và nghiệm thu khuôn
- Sản xuất thử
- Sản xuất đại trà
Ý tưởng sản phẩm mới
Nghe đến ý tưởng mọi người hay nghĩ đến một phát kiến gì đó bất chợt nảy sinh trong tâm trí của một ai đó, vào một thời điểm không mong đợi nhất. Nghe thì có vẻ ý tưởng đến rất ngẫu nhiên, bất chợt hoặc là do hên xui, nhưng trong công tác phát triển sản phẩm mới để phục vụ công việc kinh doanh buôn bán của một doanh nghiệp, chuyện ngẫu nhiên, bất chợt hay hên xui chỉ xuất hiện ở một vài trường hợp cá biệt, còn lại hầu hết những ý tưởng mới đều được tạo ra từ những suy nghĩ mang tính hệ thống, có mục tiêu rõ ràng, có qui trình thực hiện bài bản, được lên kế hoạch chi tiết, mang tính chủ quan và là kết quả nỗ lực của cả một đội ngũ.
Ý tưởng sản phẩm mới có thể xuất phát từ yêu cầu cải tiến sản phẩm hiện đang kinh doanh, hay nhu cầu mở rộng và phát triển việc sản xuất kinh doanh của công ty. Ý tưởng sản phẩm cũng có thể xuất phát từ nhu cầu của thị trường, của một nhóm đối tượng sử dụng mà doanh nghiệp đó đang phục vụ.
Brainstorming là một từ mà ngày nay được thường xuyên nhắc tới nhất mỗi khi ta nói về một phương pháp giúp tạo ra những ý tưởng sản phẩm mới qua những buổi thảo luận mang tính đội nhóm. Brainstorming là hình thức vận dụng việc vận động trí não của cả đội ngũ để đưa ra thật nhiều khái niệm, ý tưởng, thậm chí khuyến khích những ý tưởng càng điên rồ càng tốt, rồi từ đó phân tích chi tiết vào chiều rộng và chiều sâu của từng ý tưởng một để lựa chọn ra một ý tưởng phù hợp nhất đưa vào triển khai.
Chọn loại nguyên vật liệu cho sản phẩm
Có tới hàng ngàn loại vật liệu nhựa, mỗi loại đều có những đặc điểm cơ lý, hóa học khác nhau và đều có ảnh hưởng đến công năng sử dụng của sản phẩm. Có thể nói phạm vi ứng dụng của những loại vật liệu nhựa trên thế giới là mênh mông nên ta phải dày công lựa chọn kỹ lưỡng loại vật liệu nhựa sao cho phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, kinh tế nhất, nguồn cung cấp có sẵn và ổn định, dễ gia công chế tạo.
Thiết kế sản phẩm hoàn chỉnh
Theo tôi nhận định, đây là công tác quan trọng nhất trong qui trình phát triển sản phẩm mới, nó quyết định việc tạo ra một sản phẩm có giá trị hay không bởi những lý do sau:
- Hình dáng sản phẩm được phát thảo và tạo dáng một cách cân đối, hài hòa, duyên dáng sẽ là điểm mấu chốt để khách hàng quyết định có mua sản phẩm đó khi được chào bán hay không.
- Sản phẩm thể hiện đầy đủ các công năng sử dụng cũng như những giá trị cộng thêm vào sản phẩm nhằm phát huy tối đa giá trị của sản phẩm.
- Sản phẩm được lên thiết kế kỹ thuật tỉ mỉ, chi tiết, đáp ứng các yêu cầu về gia công chế tạo và lắp ráp sẽ giúp cho công đoạn thiết kế và chế tạo khuôn trở nên dễ dàng, tiết kiệm nhiều chi phí và rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm trên thị trường.
- Sản phẩm được cân nhắc chọn lựa những loại vật liệu tối ưu, chi phí hợp lý, dễ gia công chế tạo, tính thẩm mỹ cao, cơ tính tốt, nguốn cung cấp ổn định sẽ là một thành công cho sản phẩm.
- Hồ sơ sản phẩm được ban hành đầy đủ, chi tiết. Qui trình sản xuất và kiểm soát chất lượng cần cụ thể và tin gọn để giúp cho khâu sản xuất và QC dễ theo dõi và kiểm soát chất lượng thành phẩm đầu ra. Như thế sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượn ổn định, đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng.
Sản xuất thử
Có thể xem đây giống như một cuộc tập trận bắn đạn thật của một liên minh quân sự nào đó, nhưng lại xảy ra bên trong một công ty, với các thành viên tham gia bao gồm Phòng Dự án, Phòng R&D, Phòng Khuôn, Bộ Phận Sản Xuất và QC, chủ trì là phòng R&D hoặc phòng Dự án, có thể có hoặc không có sự tham gia của khách hàng.
Quá trình sản xuất thử sử dụng nguyên vật liệu thật, máy móc thật, con người thật để kiểm tra khả năng hoạt động ổn định của khuôn, tính hợp lý của việc bố trí dây chuyền sản xuất, thẩm định lại hồ sơ sản xuất, đánh giá chất lượng của nguyên vật liệu đầu vào, bao bì đóng gói, chất lượng sản phẩm đầu ra trên từng công đoạn, đánh giá năng suất của từng nguyên công, từ đó mà có những hiệu chỉnh cho phù hợp trước khi bắt tay vào sản xuất đại trà.
Lượng thời gian sản xuất thử còn tùy vào mức độ phức tạp của sản phẩm, có những sản phẩm chỉ ép nhựa, kiểm tra và đóng gói nên chỉ cần chạy vài giờ đồng hồ là đã đủ đánh giá. Cũng có những sản phẩm lắp ráp từ nhiều linh kiện, sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau, một số bán thành phẩm sau khi ép phun phải trải qua các nguyên công phụ như trang trí in ấn, xi mạ,… cuối dùng được lắp ráp lại với nhau, và thành phẩm cuối cùng phải phục vụ được một công năng phức tạp nào đó. Những sản phẩm như vậy cần thời gian sản xuất thử dài hơn, có khi là vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng, vừa làm vừa hiệu chỉnh.
Sản xuất đại trà
Hãy thử tưởng tượng một viễn cảnh tươi đẹp - bộ khuôn sau khi chạy thử, được kiểm tra và hiệu chỉnh, đạt hết các tiêu chí của nhà thiết kế, được nghiệm thu và duyệt cho sản xuất đại trà, đơn đặt hàng sản phẩm mới ổn định mỗi tháng, khuôn hoạt động 24/7, QC chỉ bóc mẫu theo AQL để kiểm tra định kỳ, khuôn được bảo trì bảo dưỡng theo kế hoạch, nhóm Dự Án, Phòng R&D, Xưởng Khuôn thì đang tất bật lo phát triển dự án sản phẩm mới khác. Thật ra câu chuyện sản xuất đại trà trong ngành nhựa ép phun không phải lúc nào cũng suôn sẻ được như vậy.
Một khi sản phẩm đã được duyệt để triển khai sản xuất đại trà thì xem như nhóm Dự án đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, đối với một số khâu khác, ví dụ như khâu Sản xuất, khâu QC, cuộc chiến chỉ vừa mới bắt đầu.
Không phải sản phẩm nào sau khi thiết kế, chế tạo khuôn và nghiệm thu thành công thì đã có thể đi vào sản xuất ổn định.
Quá trình sản xuất thử và chạy nghiệm thu không làm bộc lộ hết những khuyết điểm của vấn đề thiết kế sản phẩm hay chế tạo khuôn, quá trình sản xuất đại trà mới có thời gian đủ lâu để làm bộc lộ những khiếm khuyết đó. Đối với một số tình huống, nhóm Dự Án vẫn phải vào cuộc để cùng với bộ phận R&D, Khuôn, Sản Xuất ngồi lại phân tích và xử lý những vấn đề mới phát sinh.
Khi đó chúng ta sẽ thấy rằng, những hiểu biết của chúng ta về những hành vi của từng loại vật liệu nhựa dưới tác động của nhiệt độ, áp suất là vô cùng hạn hẹp. Chúng ta cũng thấy mình hiểu rất ít về hành vi của thép, thứ vật liệu cấu thành nên bộ khuôn ép phun, khi hoạt động liên tục trong môi trường nhiệt độ và áp suất khắc nghiệt. Và cả những con sensor cảm biến nhiệt độ nhỏ xíu nằm khuất đâu đó trong chiếc máy ép nhựa, nếu bị chút lỗi kỹ thuật, cũng đủ khả năng để hành xác cả nhóm đến quên ăn, quên ngủ.
Chúng ta sẽ bàn tiếp vấn đề này ở trong một chủ đề khác.